Nắng nóng ảnh hưởng như thế nào đến động vật Thủy sản.

Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến con người mà còn có tác động đáng kể đến động vật thủy sản. Sự tăng nhiệt đột ngột và ánh nắng mạnh có thể gây ra những vấn đề sức khỏe và sinh sản cho cá và tôm cũng như các thiệt hại do dịch bệnh phát sinh nếu không phòng bệnh và quản lý môi trường tốt từ đó dẫn đến các thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách nắng nóng ảnh hưởng đến động vật thủy sản và cung cấp những giải pháp ứng phó hiệu quả.

Tác động của nắng nóng đến động vật thủy sản:

Động vật thủy sản là động vật biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ môi trường nước. Khi nhiệt độ nước tăng, giảm đột ngột sẽ gây sốc cho vật nuôi. Nhiệt độ nước tăng làm tăng khả năng trao đổi chất của động vật thủy sản do đó làm tăng tiêu hao oxy, tăng mẫn cảm với vi khuẩn và virut gây bệnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ lắng tụ dưới đáy ao phân hủy mạnh không chỉ làm tiêu hao nhiều oxy trong nước mà còn tạo ra các loại khí độc như CO2, H2S, NH3, NO2… gây độc cho vật nuôi trong khi khả năng hòa tan oxy từ không khí vào nước lại giảm. Thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng, mầm bệnh, tảo phát triển mạnh, nhất là các loài tảo độc làm biến động mạnh các yếu tố môi trường nước.

Các biện pháp ứng phó với nắng nóng trong nuôi trồng thủy sản: Kiểm soát tốt ao nuôi là biện pháp tốt nhất để phòng tránh hiện tượng stress ở cá:

Đối với ao nuôi: Luôn luôn giữ mực nước ổn định trong ao tối thiểu từ 1,8 – 2m để giảm bớt hiện tượng cá bị sốc do chênh lệch nhiệt độ trong ngày đêm quá lớn đồng thời có biện pháp tạo chỗ tránh nắng nóng bằng có khung thả bèo tây khoảng 20% diện tích mặt ao.

Tăng cường quạt khí, sục khí cho cá vào những ngày nắng nóng, thời tiết oi bức hoặc thay đổi đột ngột nhất là nửa đêm về sáng nhằm tránh phân tầng nhiệt độ trong ao nuôi, tăng cường hàm lượng oxy hòa tan đồng thời tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển, giảm lượng khí độc trong ao. Thường xuyên kiểm tra ao nuôi, khi thấy hiện tượng cá nổi đầu cần phải tiến hành xử lý ngay, sử dụng viên oxy nén bón xuống ao trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu khi cá nổi đầu, tránh tình trạng cá chết hàng loạt do thiếu oxy.

Kiểm tra và duy trì các yếu tố môi trường như màu nước, độ trong, pH, hàm lượng oxy trong ngưỡng thích hợp bằng cách áp dụng các biện pháp tổng hợp: Thay nước thường xuyên 1- 2 lần/tháng (không quá 30% lượng nước trong ao); sử dụng vôi bột với lượng 1,5 – 2kg/100m3 nước (1 – 2 lần/tháng); sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất… Đối với ao nuôi thâm canh, ao có nhiều bùn đáy và chất hữu cơ hay gặp hiện tượng nước ao có màu nâu, màu xanh đậm hoặc có váng tảo màu xanh nổi trên mặt ao là do tảo phát triển quá mạnh gây nở hoa sau đó tảo tàn làm các yếu tố môi trường pH, O2 trong ngày biến động mạnh, hàm lượng khí độc NH3, H2S, NO2 tăng cao, cá dễ bị stress, nổi đầu… Lúc này người nuôi cần tăng cường thay nước, sử dụng hóa chất diệt tảo, Zeolite hấp thu khí độc, bón vôi và dùng chế phẩm sinh học để kiểm soát môi trường ao nuôi.

Tuyệt đối không xả thải trực tiếp chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, phân chuồng xuống ao nuôi. Chủ động tiêu diệt mầm bệnh bằng cách sử dụng các loại hóa chất sát trùng như TCCA, BKC, Iodin… theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó nhất là khi ngập lụt. Rải vôi bột trên bờ ao trước những trận mưa lớn, xả bớt nước tầng mặt và tăng cường quạt khí đảo nước tránh hiện tượng phân tầng, bón vôi cho ao để tăng pH và giảm độ đục cho nước sau mưa, tránh hiện tượng cá chết do môi trường thay đổi đột ngột.

Đối với nuôi cá lồng bè trên sông: Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng. Loại bỏ rác thải xung quanh khu vực lồng bè nuôi. Kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc, di chuyển lồng về nơi râm mát khi nắng nóng kéo dài. Nếu không di chuyển được cần hạ thấp lưới lồng, căng lưới mặt lồng để tránh thất thoát. Khi mưa bão cần chủ động di chuyển lồng nuôi vào nơi an toàn, kín gió. Dùng vôi bột, hóa chất sát trùng cho vào túi, treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá.

Chăm sóc vật nuôi: Cho động vật thủy sản ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý tùy theo từng giai đoạn. Vào những ngày nắng nóng, mưa lớn hoặc thời tiết thay đổi đột ngột nên giảm lượng thức ăn hoặc ngừng cho ăn. Tăng cường bổ sung Vitamin C với lượng 30mg vitamin C/kg cá/ngày hoặc tỏi say nhuyễn (500g tỏi/100kg cá/ngày), liên tục 5 – 7 ngày hoặc các sản phẩm tăng cường tiêu hóa (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) vào thức ăn để tăng sức đề kháng.

Ngoài thức ăn công nghiệp người nuôi có thể tận dụng thức ăn xanh, sản phẩm nông nghiệp như ngô, lúa ủ nảy mầm hoặc kết hợp với các loài cá tạp, ốc bươu vàng, phụ phẩm nông nghiệp… nấu chín, ép đùn làm thức ăn để giảm chi phí sản xuất.

Chủ động thực hiện tốt các biện pháp quản lý môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và chăm sóc động vật thủy sản sẽ giúp người dân giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo vụ nuôi thành công.

Các dịch vụ liên quan

English EN Vietnamese VI